Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Giăng 20:1-10: "Sứ Điệp Nói Tới Vải Liệm"



Giăng 20:1-10
SỨ ĐIỆP NÓI TỚI VẢI LIỆM
Phần giới thiệu: Cách đây mấy năm, tôi có xem một tài liệu liên quan đến cái chết của Medgar Evers, một nhân sự tranh đấu nhân quyền người da đen, ông bị bắn chết trên đường về nhà mình ở Mississippi năm 1963. Vào đầu thập niên 90, theo yêu cầu của con trai ông, thi thể của Ông Evers đã được khai quật. Hy vọng của gia đình, ấy là một cuộc khám nghiệm tử thi mới sẽ làm sáng tỏ cái chết của ông. Tôi đã xem họ mở quan tài đã đóng kín trong 30 năm. Bên trong là một thi thể được gìn giữ rất tốt. Thi thể và y phục mặc cho thi thể ấy vẫn còn ở trong tình trạng gần như là nguyên vẹn.
            Khi tôi xem chương trình đó, ngay lập tức tôi liên tưởng đến một chỗ khác khi mồ mả được mở ra. Đó là một ngôi mộ đã được mở toang ra, không phải do ý muốn của con người, mà là do ý muốn của Đức Chúa Trời! Trong ngôi mộ đó, người nào nhìn vào thì thấy vải liệm mà thi thể đã mặc, nhưng họ không nhìn thấy thi thể đâu hết! Tại sao chứ? Vì đây là thi thể của Đức Chúa Jêsus Christ và Ngài đã sống lại từ kẻ chết và đã đi ra khỏi ngôi mộ đó. Mọi sự còn lại trong mộ địa ấy, bằng chứng duy nhứt cho thấy Ngài từng có mặt ở đó, là sự hiện diện của tấm vải liệm của Ngài.
            Bây giờ, có nhiều phương diện của sự sống lại mà chúng ta sẽ tra xét sáng nay. Hết thảy chúng đều rất quan trọng, là một phước hạnh và là một sự khích lệ cho con cái của Đức Chúa Trời. Nhưng sáng nay, tôi muốn nhìn vào sứ điệp nhắc tới vải liệm còn bị để lại trong ngôi mộ ấy bởi Chúa Jêsus. Tôi muốn chúng ta hôm nay nhận thấy rằng Chúa Jêsus đã bỏ tấm vải liệm lại sau vì một lý do. Ngài bỏ chúng lại sau để chúng có thể rao ra một sứ điệp cho hết thảy những ai nhìn thấy chúng vào sáng sớm Chúa nhật đó. Đây là một sứ điệp quí báu mà tôi muốn chúng ta tìm cách nắm lấy hôm nay. Chúng ta hãy nhìn vào mấy câu Kinh thánh tuyệt vời nầy và kinh nghiệm Sứ Điệp Nói Tới Vải Liệm.
I. ĐÂY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP BÌNH AN  (các câu 5-7)
A. Sau khi Chúa Jêsus gục chết trên thập tự giá, Giôsép người Arimathê và Nicôđem lấy thi thể của Chúa Jêsus xuống rồi sửa soạn thi thể ấy cho sự chôn cất và đặt thi thể ấy vào một ngôi mộ mới thuộc về Giôsép, Giăng 19:38-42. Sau khi họ đặt thi thể của Ngài vào trong mộ, các cấp lãnh đạo người Do thái đã yêu cầu Bôntu Philát đóng ấn ngôi mộ rồi đặt một phân đội lính Lamã tại mộ để ngăn ngừa các môn đồ đến lấy cắp thi hài, Mathiơ 27:62-66.
            Tất nhiên, Kinh thánh cho chúng ta biết vào sáng sớm Chúa nhật, một số việc kỳ lạ bắt đầu xảy ra gần ngôi mộ đó trong Vườn, Mathiơ 28:1-4. Một biến cố siêu nhiên đã xảy ra và hòn đá đã được dùng đóng ấn ngôi mộ bị lăn lùi lại bởi Thiên Sứ của Đức Giêhôva. Điều nầy đã được làm ra không phải bởi các môn đồ. Không! Họ đã trốn trên phòng cao trong sợ hãi, e là họ cũng bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá, Giăng 20:19. Tuy nhiên, điều nầy đã được thực hiện để cho hết thảy những ai đến gần thấy rằng thi thể của Chúa Jêsus không còn có ở đó nữa.
            Bây giờ, khi Mary thấy ngôi mộ trong tình trạng nầy, nàng chạy đi báo cho các môn đồ biết, Phierơ và Giăng chạy đến mộ. Chắc chắn là nàng đã tới với một ngôi mộ không đúng. Chắc chắn, phải có cái gì đó sai trật rồi! Tuy nhiên, khi họ đến tại hiện trường, đúng đây là ngôi mộ ấy. Thế nhưng, ngôi mộ thì trống trơn! Mọi sự họ nhìn thấy khi họ nhìn vào là tấm vải liệm của Chúa Jêsus, một là nó bị dồn lại thành một đống giống như thể thi hài của Ngài đã bước ra khỏi chúng, hoặc bị khô cứng do các thứ hóa chất mà Giôsép và Nicôđem sử dụng, khi liệm xác Ngài, nó giống như cái tổ kén mà Ngài đã thoát ra. Dù là cách nào, sự việc ấy tô vẽ một bức tranh thật hoàn toàn! Khi ấy họ nhìn thấy, ở ngay chỗ đó, tấm khăn che mặt mà Giôsép và Nicôđem đã sử dụng để che đầu và mặt của Chúa Jêsus lại.
            Ngôi mộ là một bức tranh trọn vẹn nói tới trật tự thật tuyệt đối!
B. Sau khi các tin tức nói tới sự phục sinh đã được ai nấy đều hay biết hết, các cấp lãnh đạo người Do thái đã bịa ra một câu chuyện để cố gắng che giấu sự thực Chúa Jêsus hãy còn sống, Mathiơ 28:11-15. Tuy nhiên, tình trạng của ngôi mộ minh chứng câu chuyện của họ là một sự dối trá. Hãy xét xem:
1. Nếu chính các môn đồ đã di dời thi hài của Chúa Jêsus theo như người Do thái loan báo, làm sao họ di dời thi thể mà không phiền phức với tấm vải liệm chứ? Họ có thì giờ để lo liệu trật tự như thế không? Rốt lại, họ sẽ nổ lực làm một việc như vậy không, hết thảy họ đều bỏ Chúa Jêsus lại rồi trốn đi ngay đêm Ngài bị bắt? Mác 14:50.
2. Nếu là những tên trộm mộ như bao người khác đề nghị, họ di dời thi hài bằng cách nào chứ? Họ chịu mọi sự khổ sở như thế sao? Tất nhiên là không rồi!
3. Nếu các cấp lãnh đạo Do thái lấy thi hài của Ngài đi vì e sợ mọi điều mà các môn đồ sẽ sử dụng thi hài của Ngài, hay người Lamã về vấn đề ấy, họ sẽ chẳng có thì giờ để di dời thi thể ra khỏi những vòng vải liệm bao quấn chặt chẽ kia. Thực vậy, họ chỉ tạo ra thây ma khi các môn đồ bắt đầu tuyên bố sự sống lại và Cơ đốc giáo sẽ giải thể như Alka-Seltzer [một chất hòa tan] trong nước.
C. Phần kết luận hợp lý duy nhứt cho vấn đề, ấy là ngôi mộ đang ở trong bối cảnh trật tự và yên tĩnh vì Chúa Jêsus đã ra khỏi tấm vải liệm của Ngài rồi. Ngài đã xếp tấm khăn che mặt mình lại rồi để nó qua một bên. Ngài rời khỏi bối cảnh bình an để hết thảy những ai nhìn vào và tin sẽ có sự bình an ở trong lòng rằng Ngài vẫn còn sống và mạnh giỏi. Đấy là loại bình an mà chỉ có Chúa Jêsus mới có thể cung ứng cho, Giăng 14:27!
I. Đây là một sứ điệp bình an
II. ĐÂY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP ĐẦY NĂNG QUYỀN (câu 5)
A. Cái tổ kén vải liệm trống rỗng kia đã giảng ra một sứ điệp đầy năng quyền vào sáng sớm Chúa nhật ấy. Sứ điệp ấy thuật lại một câu chuyện sống động nói tới một Cứu Chúa phục sinh. Tấm vải liệm đang nằm trong tư thế ấy đã công bố cho thế gian biết rằng mọi sự mà Đức Chúa Jêsus Christ đã xưng nhận, mọi sự Ngài đã rao giảng, mọi sự Ngài đã hứa thảy đều là sự thực!
         Chỉ ba ngày trước, các môn đồ đã thấy Chúa của họ bị bắt, bị xét xử, bị kết án rồi bị đóng đinh trên thập tự giá. Bây giờ, họ có bằng chứng xác thực rằng Chúa Jêsus hãy còn sống và mạnh giỏi!
B. Sự thực cho thấy Chúa Jêsus còn sống cung ứng quyền phép cho mọi lời hứa của Ngài! Nó xác nhận lời xưng nhận của Ngài là con đường duy nhứt đến với Đức Chúa Trời, Giăng 14:6. Chính quyền phép ấy cung ứng hy vọng cho hết thảy những ai chịu đến với Ngài để được cứu, Hêbơrơ 7:25; Giăng 6:37-40. Quyền phép ấy cung ứng lòng tin cậy cho người nào bị hư mất trong tội lỗi! Quyền phép ấy nói cho họ biết rằng họ có thể chạy đến với Chúa Jêsus rồi ở đó tìm gặp Chúa hằng sống là Thiết Hữu của hạng tội nhân.
C. Đây là một sứ điệp đầy quyền phép vì nó cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Cha đã chấp nhận sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá là sự trả giá cho món nợ tội lỗi của con người. Tân Ước cho chúng ta biết khoảng 35 lần rằng Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết bởi Đức Chúa Cha. Nếu Chúa Jêsus là một người khác, hài cốt của Ngài sẽ bị mục nát ở chỗ mà họ đặt thi hài của Ngài. Nhưng, vì Ngài là Con vô tội của Đức Chúa Trời, cho nên sự chết giữ lấy Ngài là điều bất khả thi, Công Vụ các Sứ Đồ 2:24. Và, vì Ngài đã chết một cái chết vô tội trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã chấp nhận sự hy sinh của Ngài trong chỗ của chúng ta và cung ứng cho chúng ta lời hứa cho rằng chúng ta cũng sẽ sống lại từ kẻ chết nữa, ***II Côrinhtô 4:14***. Hết thảy mọi sự ấy là do Ngài đã để lại áo xống của Ngài ở sau lưng!
I. Đây là một sứ điệp bình an
II. Đây là một sứ điệp đầy năng quyền
III. ĐÂY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP ĐẦY HỨA HẸN (câu 7)
A. Giăng kêu gọi chúng ta chú ý vào sự kiện tấm khăn liệm đã được sử dụng để che gương mặt phước hạnh của Ngài khi chết đã được xếp lại gọn gàng rồi đặt qua một bên. Có một sứ điệp trong hành động nầy mà chúng ta không muốn bỏ qua.
(Minh họa: Phong tục của Đông phương về cái khăn đó. Khi một người cùng với các tôi tớ đang dự một bữa ăn, người ấy thường dùng cái khăn của mình ra dấu cho họ trong suốt bữa ăn. Nếu người ấy rời bàn ăn rồi vò cái khăn lại, hành động ấy có nghĩa là người đã ăn xong và không quay trở lại. Tuy nhiên, nếu người xếp cái khăn lại cho gọn gàng, hành động ấy nói cho các tôi tớ người biết rằng người sẽ đi đâu đó trong một lúc, nhưng người sẽ quay trở lại! Chúa Jêsus đang nói cho các môn đồ Ngài biết: "Ta sẽ vắng mặt trong một lúc, nhưng ta sẽ quay trở lại ngay!" Khi Phierơ và Giăng đến tại mộ, họ sợ điều tệ hại nhất. Có lẽ họ nghĩ mấy tên trộm đã đến, hay người Do thái đã lấy thi hài của Ngài đi. Ngay cả Mary đã bỏ qua cái khăn liệm rồi tưởng người làm vườn đã dời thi hài của Chúa đi, Giăng 20:15. Tuy nhiên, Giăng, là người cùng lớn lên với các tôi tớ, Mác 1:20, có lẽ biết rõ phong tục nầy và mau chóng nắm bắt được ý nghĩa, câu 8).
B. Bây giờ, sáng nay, bạn và tôi đang có mặt giữa vòng những người chấp nhận sứ điệp Tin Lành nói tới sự sống lại bởi đức tin đơn sơ. Chúng ta không nhìn thấy Chúa Jêsus sống. Chúng ta không nhìn thấy Ngài chết và chúng ta không nhìn thấy ngôi mộ. Tuy nhiên, cái khăn xếp lại vẫn đang được rao giảng hôm nay. Sự việc đang nhắc nhở mỗi một người chúng ta sáng nay rằng mặc dù chúng ta không nhìn thấy Ngài ngay bây giờ, Ngài sẽ trở lại ngay và rồi chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài, Khải huyền 22:20.
C. Vì lẽ đó, đừng mất hy vọng, hỡi quí bạn yêu dấu! Chúa của chúng ta đã rời khỏi chúng ta, sự bảo đảm của Ngài là không bao lâu nữa Ngài sẽ tái lâm rồi cất chúng ta đi ở với Ngài trong Nhà của Cha Ngài, Giăng 14:1-3. Vì Ngài sống, chúng ta có một tương lai trong quê hương của Ngài ở trên trời!
I. Đây là một sứ điệp bình an
II. Đây là một sứ điệp đầy năng quyền
III. Đây là một sứ điệp đầy hứa hẹn
IV. ĐÂY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP ĐẦY THUYẾT PHỤC (các câu 5-8)
A. Mấy câu nầy cho chúng ta biết về những điều Phierơ và Giăng đã làm khi họ đến tại mộ. Thật là thú vị khi đào sâu một chút vào lời lẽ được sử dụng ở đây. Hãy chú ý ba tư tưởng:
1. Câu 5 Từ ngữ "thấy" [saw] ý nói "liếc nhìn vào vật gì đó". Từ nầy đề cập đến cái nhìn thoáng qua, ngắn ngủi. Đây là điều Giăng đã thấy khi người đến nơi ấy. Ông có cái nhìn mau lẹ vào mộ rồi thấy Chúa Jêsus không còn có ở đó, nhưng tấm vải liệm vẫn còn có ở đó.
2. Câu 6-7 Từ ngữ "thấy" [seeth] ý nói "rà soát". Từ nầy mang ý tưởng nhìn quanh với con mắt tinh tường để nắm bắt mọi sự kiện. Cái thấy nầy đem vào lý trí con mắt của nhà điều tra. Đây là điều mà Phierơ đã thấy. Ông đã nhìn thấy tấm vải liệm và cái khăn che mặt đang nằm ở đó.
3. Câu 8 từ ngữ "thấy" [saw] ý nói "nhìn với sự hiểu biết". Từ nầy mang ý tưởng nắm bắt được mọi điều bạn nhìn thấy. Khi Giăng để thì giờ quan sát kỹ hơn, ông nhìn thấy sự thực nơi tấm vải liệm và hiểu rằng Chúa Jêsus hãy còn sống!
B. Nếu một tội nhân hư mất nhìn vào ngôi mộ trống, người ấy có thể dấy lên hàng tá lý do tại sao sự việc không thể là sự thực. Rốt lại, khi người ta chết, họ không còn có nữa. Họ không chổi dậy được, và thậm chí nếu họ chổi dậy đi nữa, họ sẽ không thể thoát ra khỏi phần vải liệm của mình! Họ sẽ làm giống như Laxarơ và họ sẽ được tự do, Giăng 11:44.
C. Nhưng, khi một tấm lòng chân thành dành thì giờ xem xét kỹ lưỡng các chứng cớ, họ sẽ đạt tới chỗ mà Giăng đã đạt tới. Sự sống lại phải là điều có thực. Không có một cách giải thích hợp lý nào khác nữa. Bạn có bị thuyết phục không?
(Minh họa: Người Do thái vẫn tin cho tới ngày nay rằng các môn đồ của Chúa Jêsus đã đem thi thể của Ngài đi. Nếu họ làm thế, có ai làm ơn giải thích cho tôi biết lý do tại sao từng người một trong số các môn đồ của Ngài, với ngoại lệ của Giăng, đã chịu chết vì rao giảng sự sống lại của Chúa Jêsus từ kẻ chết. Người ta không chết vì sự việc mà họ biết rõ là dối trá! Muốn sống còn thì mạnh mẽ đến nỗi họ sẽ xưng ra sự dối trá của họ cho nhà cầm quyền hầu cứu lấy mạng của họ. Tuy nhiên, hết thảy họ, không có ngoại lệ chi hết, đều bước vào mồ mả với lời rao giảng sự thực về một Chúa phục sinh! Đối với tôi, chết như thế là chứng minh thật là hùng hồn!)
I. Đây là một sứ điệp bình an
II. Đây là một sứ điệp đầy năng quyền
III. Đây là một sứ điệp đầy hứa hẹn
IV. Đây là một sứ điệp đầy thuyết phục
V. ĐÂY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP RIÊNG TƯ (các câu 1-29).
A. Khi chương nầy mở ra, từng người nào đối diện với ngôi mộ trống và tấm vải liệm buộc phải đưa ra một quyết định. Đối với Giăng, tin là điều cần kíp, câu 8. Đối với Phierơ, sự thực xảy đến tiệm tiến hơn. Mary Mađờlen thấy rằng tấm lòng của nàng vẫn còn bị buồn rầu bắt lấy, 11-17. Tuy nhiên, nàng bị thuyết phục khi nàng nhìn thấy chính mình Chúa. Các môn đồ khác thì không dám chắc về những gì đã xảy ra cho tới chừng Chúa Jêsus hiện ra ở giữa họ với một sứ điệp bình an và bảo đảm, các câu 19-23. Tuy nhiên, Thôma, người hồ nghi luôn luôn lại không có mặt ở đó và ông từ chối không chịu nghe một lời mà họ đang nói, các câu 24-25. Những điều ông nghi ngờ cũng được đề ra cho các sự khác bởi sự xuất hiện riêng tư của Cứu Chúa phục sinh, các câu 26-28. Rõ ràng, đây là một sứ điệp tác động dân sự bằng nhiều cách thức khác nhau. Tất nhiên, thực sự chỉ có hai cách để đáp ứng với sứ điệp: 1. Bằng cách chấp nhận sứ điệp 2. Bằng cách chối bỏ sứ điệp.
B. Ai có lòng tin, họ sẽ đáp ứng bằng cách chấp nhận sứ điệp nói tới Chúa Jêsus phục sinh. Thắc mắc đọng lại với chúng ta sáng nay là: còn bạn thì sao? Có phải bạn chấp nhận sự thực Đức Chúa Jêsus Christ đã chịu chết trên thập tự giá, đổ huyết Ngài ra để trả giá cho tội lỗi của bạn và đã sống lại từ kẻ chết ba ngày sau đó với thân thể vật lý? Hôm nay có người đang nói cho chúng ta biết rằng tin sự sống lại là thực thì không quan trọng. Chúng ta chỉ cần chấp nhận sự ấy theo cách biểu tượng mà thôi! Phải, Kinh thánh có một ý tưởng khác, Rôma 10:9-10. Thực vậy, nếu bạn loại bỏ thành phần cốt lõi nói tới sự sống lại ra khỏi lẽ đạo của Cơ đốc giáo, thế thì đức tin của chúng ta sẽ rơi rụng giống như ngôi nhà được dựng lên bằng những lá bài vậy.
C. Có phải bạn tin vào Chúa Jêsus phục sinh không?
Phần kết luận: Tôi dám nói rằng không một tấm vải liệm nào trong lịch sử đã rao giảng một sứ điệp phi thời gian, vinh hiển như tấm vải liệm của Chúa Jêsus đã rao giảng. Tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đang sống sáng nay và Ngài đã để lại bằng chứng trọn vẹn, không thể tranh cãi trong ngôi mộ của Ngài cho biết Ngài đang sống! Có phải sự sống lại của Ngài là thực trong tấm lòng của bạn sáng nay? Có phải bạn đã kinh nghiệm quyền phép sự sống lại của Ngài trong đời sống của bạn? Bạn thấy đấy, một Cứu Chúa phục sinh có quyền phép tác động cụ thể vào hết thảy những ai bởi đức tin chịu đến với Ngài. Đây là những gì Phaolô đã nói: "cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài", Philíp 3:10a. Có phải quyền phép ấy đang năng động trong đời sống bạn sáng nay?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét