Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Giăng 6:37-40: "Lời Mời Tin Cậy"


Giăng 6:37-40
LỜI MỜI TIN CẬY
Phần giới thiệu: Chúng ta vừa đọc một trong những phân đoạn long trọng nhất của Kinh thánh hôm nay. Mấy câu nầy chứa những lẽ thật mà lý trí con người sẽ không bao giờ hiểu thấu cho tới chừng nào chúng ta đứng trọn vẹn trong ảnh tượng Ngài nơi sự vinh hiển. Trong mấy câu ngắn ngủi nầy có 110 chữ. 98 chữ chỉ có một âm tiết. Mười một chữ có hai âm tiết. Một chữ có ba âm tiết. Chúa Jêsus sử dụng thứ ngôn ngữ đơn giản nhất khả thi, tuy nhiên Ngài dạy chúng ta một lẽ thật sâu sắc đến nỗi không một ai từng sống có thể hiểu thấu nó được. Lẽ thật ấy vẫn đơn giản đến nỗi ngay cả những đứa trẻ nhỏ cũng có thể nắm bắt được trọng tâm của nó.
Trong mấy câu nầy, chúng ta tìm thấy lời mời gọi khác ra từ Chúa của chúng ta. Đây là lời mời được đưa ra để thúc đẩy lòng tin cậy. Mấy lời nầy nói tới lòng tin cậy nằm trong tấm lòng Cứu Chúa chúng ta khi Ngài ngửa trông Gôgôtha. Mấy lời nầy nói tới lòng tin cậy mà hạng tội nhân có thể có khi họ nom thấy sự khủng khiếp, và hiểu rõ án phạt dành cho tội lỗi của họ. Mấy lời nầy nói tới lòng tin cậy mà hạng thánh đồ của Đức Chúa Trời có thể sở hữu khi họ linh trình hướng về quê hương của họ ở trên trời.
Đây là Lời Mời Tin Cậy và nó có nhiều điều để nói với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy dành chút thời gian và cùng nhau xem xét các ơn phước lớn lao mà Cứu Chúa chúng ta đã gói ghém cho chúng ta trong lời của Ngài.
I. MÓN QUÀ CỦA CỨU CHÚA (câu 37a)
(Minh họa: Chúa Jêsus vừa công bố lai lịch của Ngài cho người Do thái. Ngài đã công bố chính mình Ngài là Bánh Hằng Sống, câu 35. Ngài nói cho họ biết thật rõ ràng rằng bất kỳ người nào chịu tiếp nhận Ngài sẽ không bao giờ đói khát nữa. Kế đó, trong câu 36, Chúa Jêsus đưa ra một câu đáng buồn. Ngài phán: “các ngươi đã thấy ta, mà chẳng tin”. Câu nói nầy nhắm vào tiêu điểm cho rằng người Do thái đã chối bỏ không nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của họ. Kỳ thực, Giăng còn nói sâu xa hơn thế: “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy”, Giăng 1:11.
Có người đã xem sự chối bỏ nầy bởi người Do thái là một biểu thị cho rằng chức vụ của Đức Chúa Jêsus Christ là một thất bại. Chính hạng người Ngài đã ngự đến để mở lỗ tai điếc cho họ để nghe Ngài giảng đạo. Nếu có ai nghĩ chức vụ của Chúa Jêsus là một thất bại, họ đã đánh mất đi bức tranh lớn lao.
Phần thứ nhứt của câu 37 cho chúng ta biết về ơn của Đức Chúa Cha ban cho Đức Chúa Con. Ơn nầy được ban cho Chúa Jêsus như phần thưởng của Ngài dành cho mọi sự mà Ngài đã gánh chịu ở đây trên đất. Ơn nầy là minh chứng và là lời hứa sứ mệnh của Ngài trong thế gian nầy sẽ không rơi vào chỗ luống nhưng. Ơn nầy, dù khó hiểu cho những kẻ hay chết như chúng ta, là một phước hạnh lớn lao hơn chúng ta có thể suy tưởng. Chúng ta hãy xem xét ơn ấy trong một phút).
A. Bản chất của ơn nầy – “Phàm những kẻ Cha cho ta” – Bản chất của ơn nầy được thấy ở chữ “những”. Từ ngữ ấy bao gồm trong nó từng tội nhân nào từng được cứu. Từ ngữ ấy nói tới từng tội nhân được chuộc, từ đứa gái nhỏ được cứu trong Lớp Trường Chúa Nhựt, đến kẻ lang thang trơ tráo trên đường phố ra khỏi một đời sống trác táng. Từ ngữ ấy nói tới cậu bé trai nhỏ kia đặt đức tin mình nơi Chúa Jêsus và được cứu khi còn tuổi trẻ; từ ngữ ấy cũng vòng tay ôm lấy kẻ say xỉn đã sống đời sống mình trong trạng thái say sưa luôn. Từ ngữ ấy nói tới hết thảy những ai từng đặt đức tin mình nơi Chúa Jêsus để được cứu.
Nếu bạn đã được cứu, hay nếu bạn đã từng được cứu, bạn là món quà của Đức Chúa Trời ban cho Con của Ngài! Bạn là món quà yêu thương của Đức Chúa Trời ban cho Chúa Jêsus vì đã đến thế gian nầy và chịu chết trên thập tự giá. Theo nhận định của tôi, điều đó còn nhiều hơn là một món quà nữa. Tôi biết tôi như thế nào khi Chúa tìm gặp tôi, Rôma 3:10-23. Và, tôi biết chắc rằng bạn chẳng khá gì hơn tôi đâu! Vì vậy, Đức Chúa Trời đã ban chúng ta cho Chúa Jêsus và Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta trên thập tự giá. Vấn đề cho thấy giống như Chúa Jêsus rơi vào chỗ ùn tắt, song Ngài đã nhận được điều Ngài mong muốn, Luca 19:10; Hêbơrơ 12:2.
B. Đấng dự phần vào ơn nầy – “Cha cho Ta” – Tôi đã nhắc tới vấn đề nầy rồi, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng đứng đàng sau món quà kia. Tuy nhiên, hết thảy Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều dính dáng vào ân ban cứu rỗi lớn lao nầy. Đức Chúa Cha đã ban chúng ta cho Con của Ngài trong quá khứ đời đời, Êphêsô 1:4. Chúa Jêsus đã chịu chết thay cho chúng ta khi Ngài bước lên thập tự giá, Giăng 15:14-16. Đức Thánh Linh kéo tôi đến với Chúa Jêsus rồi cứu tôi khi tôi còn là một tội nhân, Giăng 6:44; 65.
Tôi tin Lời của Đức Chúa Trời nói rất rõ ràng về vấn đề cứu rỗi. Không một người nào chọn mình sẽ được cứu đâu; họ đã được chọn! Không một người nào đến với Đức Chúa Jêsus Christ vì ý riêng của họ. Ý chí của hạng tội nhân đã sa ngã và họ không có khả năng đến với Chúa Jêsus theo sức riêng của họ. Tội nhân không thể đáp ứng với Chúa Jêsus trừ phi Chúa Jêsus trước tiên đến với hạng tội nhân. Bị bỏ lại một mình, hạng tội nhân sẽ luôn luôn tìm kiếm mọi sự thuộc đời nầy và thuộc xác thịt, Êphêsô 2:2-3. Thích như thế hay không, tội nhân hư mất sẽ chết trong sự quá phạm và tội lỗi mình, Êphêsô 2:1, và người thể ấy không thể đến với Đức Chúa Trời. Trong sự việc được gọi là ơn cứu rỗi, Đức Chúa Trời phải thực hiện bước thứ nhứt. Ngài kêu gọi chúng ta đến với Chúa Jêsus để chúng ta sẽ được cứu! (Minh họa: I Giăng 4:19).
C. Những kết quả của ơn nầy – “Phàm những kẻ … sẽ đến cùng ta” – Công việc mà Đức Chúa Trời đã khởi sự trong cõi quá khứ đời đời sẽ được thể hiện ra đầy đủ đúng kỳ. Từng người mà Đức Cha đã ban cho Đức Con sẽ được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời! Theo câu nầy: “phàm…sẽ đến”. Tôi đã đến với Ngài vì Ngài đã đến với tôi trước tiên!
Khi chúng ta nói tới các vấn đề nầy, chúng ta đã bước vào chỗ nước sâu. Chúng ta đang bước vào vùng nước mà lý trí con người lỗi lạc nhất không thể suy tưởng đến được. Chúng ta đang bàn bạc về các quan điểm khó hiểu đến nỗi một vài người có thể nói đến chúng hay với sự hiểu biết một cách chính xác. Chúng ta đang nói tới các vấn đề quan trọng về sự tuyển chọn và trách nhiệm của con người.
Chắc chắn là sự cứu rỗi đặt cơ sở trên sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi là một vấn đề của ân điển và Ngài cứu bất cứ ai Ngài muốn! Nhưng, cũng không có một sự chối bỏ nào về sự thực con người chịu trách nhiệm phải tin theo Chúa Jêsus và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa. Đây là sự thực; nếu người nào được cứu sở dĩ như thế là vì ân điển rời rộng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ nhận lãnh hết mọi sự vinh hiển! Nếu có ai đó phải đi địa ngục; ấy là do lỗi của họ! Họ sẽ chẳng có ai để mà đổ thừa trừ ra chính mình họ.
Đức Chúa Trời ban hiến ơn cứu rỗi cho hết thảy mọi người. Ngài kêu lên: “hễ ai muốn” có thể đến! Bất kỳ ai chịu đến với Chúa Jêsus, họ sẽ được cứu. Người nào không chịu đến với Chúa Jêsus sẽ không bao giờ được cứu. Đấy là dòng cuối cùng!
(Minh họa: Khi Mục sư Spurgeon bình luận về sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người, ông mô tả chúng là một cặp đường rầy xe lửa. Chúng chạy song song với nhau và không bao giờ gặp nhau, nhưng nếu nhìn ra xa đủ, dường như chúng gặp nhau. Các lẽ đạo nầy dễ lầm lẫn và thường rất mâu thuẫn trong đời nầy, nhưng trong cõi đời đời chúng có có ý nghĩa rất trọn vẹn!
Trong một dịp kia, có người đến hỏi Mục sư Spurgeon ông làm cách nào để điều hòa lẽ đạo tuyển chọn với lẽ đạo nói tới trách nhiệm của con người. Mục sư Spurgeon nói: “Tôi không bao giờ giảng hòa cho bạn bè!” Trong khi chúng ta không thể hiểu được sự tuyển chọn, sự tiền định và trách nhiệm của con người, hết thảy chúng đều là những lẽ đạo trong Kinh thánh cần phải tin theo. Như Mục sư Spurgeon đã nói ở một dịp khác, “Nếu bạn tìm cách giải thích sự tuyển chọn, bạn sẽ mất trí; còn nếu bạn tìm cách không giải thích nó, bạn sẽ mất linh hồn”. Chúng ta có một thời khó hiểu nhiều việc ở đây lắm, nhưng chúng ta phải tin theo chúng!)
(Lưu ý: Đây là một câu đầy ắp với sự tin cậy. Trông nó, từ nhận định của con người, giống như chức vụ của Chúa Jêsus là một thất bại. Tuy nhiên, Chúa Jêsus biết rõ rằng Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài thật nhiều bầy chiên. Ngài sẽ đối mặt với sự chối bỏ rồi bước lên thập tự giá để chịu chết với sự nhìn biết rằng sự chết của Ngài sẽ không phải luống nhưng, nhưng chắc chắn Ngài sẽ cứu từng người mà Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài).
II. ÂN ĐIỂN CỦA CỨU CHÚA (câu 37b)
(Minh họa: Chúa Jêsus có lòng tin cậy vì cớ sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ngài biết rõ sự chết của Ngài sẽ hoàn tất ơn cứu rỗi cho kẻ được chọn. Nhưng, hạng tội nhân có lòng tin cậy trong sự việc được gọi là ơn cứu rỗi. Chúng ta sẽ có lòng tin cậy vì cớ ân điển của Cứu Chúa).
A. Phạm vi ân điển của Ngài – “kẻ đến cùng Ta” – Cụm từ “đến cùng Ta” rất là quan trọng. Cụm từ ấy công bố phương thức cứu rỗi! Được cứu không phải là tham gia vào một nhà thờ, trở thành một người tốt hơn, thôi không phạm tội nữa, hay làm những việc lành. Được cứu là đến với một Thân Vị. Được cứu nói tới việc đến với Đức Chúa Jêsus Christ bởi đức tin.
Cụm từ ấy được giải thích ở câu 40. Cụm từ “phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời” mô tả kế hoạch cứu rỗi. Mọi sự bạn phải làm là nhìn xem Chúa Jêsus để biết Ngài là ai rồi đặt đức tin ở nơi Ngài. Khi bạn làm theo như thế, Ngài sẽ cứu vớt linh hồn của bạn.
Tất nhiên, hết thảy những ai nhìn xem Chúa Jêsus như Ngài vốn có sẽ nhìn thấy chính mình họ như họ vốn có! Khi họ nhìn thấy sự thánh khiết của Cứu Chúa, họ sẽ chẳng còn mù lòa trước sự gian ác của bản ngã! Sự nhìn biết nầy về tội lỗi dẫn tội nhân đến với Đức Chúa Jêsus Christ để được cứu.
Được cứu không phải là một quá trình khó, kín nhiệm đâu. Bạn không phải “cầu nguyện suốt” để được cứu. Bạn không phải học thuộc lòng lời “cầu nguyện của tội nhân”. Bạn không phải bước đi trên “con đường dẫn đến Lamã”. Mọi sự bạn phải làm là nhìn xem Chúa Jêsus bởi đức tin và tin cậy sự chết của Ngài trên thập tự giá và sự sống lại của Ngài là đủ để cứu linh hồn mình, Rôma 10:9. Phần còn lại hãy giao cho Ngài!
B. Năng lực của ân điển Ngài – “ta không bỏ ra ngoài đâu” – Chúa Jêsus hứa hết thảy những ai nghe theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời rồi đến với Ngài thì Ngài sẽ chẳng xua họ đi đâu. Cụm từ “bỏ ra ngoài” có ý tưởng “xua đuổi ai đó đi”. Đây là lối nói bạo lực! Tội nhân hư mất không cần phải sợ hãi khi đến với Chúa Jêsus: Ngài sẽ không xua họ đi! Bất chấp con đường sự sống dẫn bạn đi tới đâu, Chúa Jêsus sẽ không xua bạn đi một khi bạn chịu đến với Ngài.
Đại danh từ “kẻ” bao phủ một vùng đất rất rộng! Chúa Jêsus mở cửa cho bất kỳ người nào, xuất thân từ bất cứ chủng tộc nào, bất kể nơi nao, hay lai lịch nào đến với Ngài. Ngài không quan tâm những gì bạn đã làm. Ngài không quan tâm bạn là ai. Ngài hứa với bạn rằng nếu bạn chịu đến với Ngài, Ngài sẽ không xua bạn đi khỏi sự ban hiến ơn cứu rỗi của Ngài.
Những tội lỗi trong quá khứ của bạn không phải là một ngăn trở cho ân điển cứu rỗi của Ngài! Tình trạng hiện tại của bạn không phải là một ngăn trở cho ân điển cứu rỗi của Ngài! Những thất bại trong tương lai của bạn cũng không phải là ngăn trở cho ân điển cứu rỗi của Ngài nữa! Nếu bạn chịu đến với Ngài, Ngài sẽ chẳng xua bạn đi đâu, nhưng Ngài sẽ cứu vớt linh hồn bạn.
Minh họa: Khi Chúa Jêsus còn ở đây trên đất, Ngài đã khiến cho ba người sống lại từ kẻ chết. Ngài đã khiến cho con gái của Giairu sống lại, Mác 5:41-42. Ngài khiến cho con trai của bà góa ở Nain sống lại, Luca 7:11-15. Ngài cũng làm cho Laxarơ sống lại, Giăng 11. Từng cá nhân nầy đều đã chết. Giờ đây, ba người nầy đã dự vào một sự tương tự và họ đã chia sẻ một sự khác biệt.
Một việc tương tự giữa các trường hợp của họ là sự thực ai nấy đều đã chết. Laxarơ, là người đã chết bốn ngày rồi, lâu hơn con trai của góa phụ Nain hay con gái của Giairu, hết thảy họ đều đã chết. Sự khác biệt duy nhứt nằm ở cấp độ phân hủy của họ.
Cũng thực như thế khi đến với hạng tội nhân hư mất. Mỗi tội nhân hư mất đã chết trong sự quá phạm và tội lỗi của họ, và chẳng có ai chết hơn người khác. Thuộc viên hội thánh hư mất đã chết giống như kẻ say xỉn, kỵ nữ hay gã thiếu niên lỗ mãng kia. Nếu họ bị hư mất, hết thảy họ đều đã chết.
Điểm khác biệt duy nhứt nơi họ là cấp độ phân hủy của họ. Trong khi thuộc viên hội thánh hư mất chết giống như kẻ say xỉn, kẻ say xỉn có mùi tệ hại nhất! Tội lỗi của hắn đã tác động nhiều sự hư hoại trong đời sống của hắn hơn là chúng có trong đời sống của con người tôn giáo hư mất.
Vì vậy, bạn là ai hay bạn sống ở đâu thì không phải là vấn đề. Nếu bạn bị hư mất, Chúa Jêsus sẽ cứu lấy linh hồn bạn nếu bạn chịu đến với Ngài bởi đức tin. Đấy là lời hứa của Ngài! Ngài sẽ không bỏ bạn ra ngoài đâu!
III. SỰ BẢO ĐẢM CỦA CỨU CHÚA (các câu 38-40)
(Minh họa: Sự thực “Phàm những kẻ Cha cho” Chúa Jêsus “sẽ đến” với Chúa Jêsus cung ứng cho Cứu Chúa lòng tin cậy. Sự thực “kẻ đến cùng” Chúa Jêsus, Ngài sẽ “không bỏ ra ngoài đâu” cung ứng lòng tin cậy cho tội nhân biết ăn năn. Phần còn lại của mấy câu Kinh thánh cung ứng lòng tin cậy rất lớn cho các thánh đồ của Đức Chúa Trời. Trong mấy câu nầy, chúng ta tìm được sự bảo đảm riêng của Cứu Chúa cho hết thảy những ai chịu đến với Ngài).
A. Được khẳng định bởi chương trình của Ngài – (các câu 39-40a). Chương trình của Đức Chúa Trời là cứu vớt tội nhân bởi “ân điển nhờ đức tin”. Khi hạng người bị hư mất đến với Chúa Jêsus để được cứu, Đức Chúa Trời sẽ cứu họ. Khi Ngài cứu họ, Ngài cứu họ trong đời nầy và trong cõi đời đời. Chính ý chỉ của Đức Chúa Cha mà Chúa Jêsus sẽ “chớ làm mất”. Từ ngữ “mất” tham khảo đến bị hư mất trong Địa Ngục. Khi Chúa Jêsus cứu một linh hồn, người được cứu sẽ không hề, không bao giờ bị hư mất nữa!
Chúa Jêsus phán rằng đây là “ý muốn của Đức Chúa Cha”. Có hai từ Hylạp được dịch là “ý muốn” trong Tân Ước. Một là chữ “boulomai”, đọc là “boo-lom-ahee”. Từ ngữ nầy đề cập đến một “ước muốn hay một sự ham muốn thích đáng”. Từ ngữ kia là chữ “qelema”, đọc là “thel-ay-mah”. Từ ngữ nầy đề cập đến “những gì một người đã quyết sẽ được nên”. Từ ngữ boulamai là một sự hy vọng trong khi qelema là một sự công bố thiêng liêng điều chi sẽ xảy đến!
Đức Chúa Trời không những hy vọng chẳng có ai trong dân sự Ngài sẽ bị mất. Ngài công bố rằng chẳng ai trong số Ngài đã cứu bởi ân điển Ngài sẽ bị hư mất! Đức Chúa Trời không sai phái Chúa Jêsus đến trần gian nầy để sống và chết để một số người sẽ được cứu, nếu họ có thể kiên trì. Đức Chúa Trời sai phái Chúa Jêsus đến đây chịu chết cho dân sự Ngài để người nào nhìn xem Chúa Jêsus bởi đức tin để được cứu sẽ có sự bảo đảm về sự sống đời đời. Đấy là chương trình của Ngài!
B. Được khẳng định bởi lời hứa của Ngài – “thì ta chớ làm mất, nhưng ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt” (câu 40b) – Đúng là một lời hứa! Chúa Jêsus phán cùng hết thảy những ai tin cậy Ngài rằng họ được an toàn trong đời nầy và trong đời hầu đến. Nếu bạn đã được cứu, bạn được cứu cho đến đời đời! Hãy gọi đó là: “từng được cứu luôn luôn được cứu”. Hãy gọi đó là: “sự an ninh đời đời”. Hãy gọi đó là: “sự sống đời đời”. Hãy gọi đó là bất cứ điều chi bạn muốn gọi, nhưng khi bạn đã được cứu, bạn sẽ không bao giờ bị hư mất nữa. Kinh thánh nói rõ ràng về sự ấy. Hãy xem xét mấy câu sau đây:
+ Quyền phép Ngài gìn giữ chúng ta – I Phierơ 1:5
+ Chúng ta được hứa cho “sự sống vĩnh cửu” – Giăng 3:16; Giăng 5:24 (Minh họa: 11 lần!)
+ Chúng ta được hứa cho “sự sống đời đời” – Giăng 10:28; I Giăng 2:25
+ Chúng ta được hứa cho chúng ta sẽ “không bao giờ hư mất nữa” – Giăng 10:28
+ Chúng ta được hứa cho rằng chúng ta không thể bị “cướp lấy” khỏi tay Ngài – Giăng 10:28-29 (Minh họa: “Cướp” = “dùng sức mạnh chiếm đoạt hay giựt lấy”).
Còn nhiều nữa, nhưng chúng ta hãy tiếp lấy bức tranh! Khi Ngài cứu chúng ta, Ngài cứu cho đến đời đời! Hãy ngợi khen danh Ngài! Đồng thời, nếu bạn từng đánh mất ơn cứu rỗi, bạn sẽ không bao giờ được cứu nữa đâu, Hêbơrơ 6:4-6!
C. Được khẳng định bởi sự biểu hiện của Ngài (câu 38) – Chính ý muốn của Đức Chúa Trời mà chúng ta sẽ không bị hư mất một lần nữa. Chính lời hứa của Cứu Chúa mà chúng ta sẽ không bị hư mất nữa. Những điều nầy được bảo đảm bởi sự biểu hiện của Ngài. Khi Chúa Jêsus đến với trần gian nầy, được sanh ra bởi nữ đồng trinh, đã sống một đời sống vô tội và chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã làm những việc ấy để mua lấy ơn cứu rỗi cho chúng ta. Khi Ngài chịu chết trên thập tự giá, Chúa Jêsus có quyền công bố: “Mọi sự đã được trọn”, Giăng 19:30. Nói như thế có nghĩa là Ngài đã hoàn tất đầy đủ phần việc đã được ký thác cho Ngài.
Ngài đã đến với trần gian nầy để trả giá cho nợ tội của chúng ta và Ngài đã làm y như thế. Ngài đã đến với trần gian nầy để đổ huyết Ngài ra hầu cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ xây đi khỏi những kẻ chịu tiếp nhận Chúa Jêsus và Ngài đã làm y như thế, Rôma 3:25; I Giăng 2:2; I Giăng 4:10. (Minh họa: “Làm nguôi” = “Sự thỏa mãn”. Chúa Jêsus đã làm thỏa mãn đúng mọi đòi hỏi của một Đức Chúa Trời thánh khiết và giờ đây hết thảy những ai tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của họ đều được bảo đảm sự sống đời đời!)
Bây giờ, nếu bạn muốn gạt bỏ địa ngục và lên Thiên đàng, bạn phải đến với Chúa Jêsus! Nếu bạn muốn tội lỗi của bạn được tha thứ, bạn phải đến với Chúa Jêsus! Nếu bạn muốn được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bạn phải đến với Chúa Jêsus!
Phần kết luận: Bạn đang có loại tin cậy nào hôm nay? Nếu đời sống bạn đến mức cuối cùng hôm nay và bạn sẽ bước vào cõi đời đời, bạn đang có loại tin cậy nào vậy? Bạn có tin cậy Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của riêng bạn chưa? Bạn có “đến với” Chúa Jêsus như mấy câu nầy mời gọi không? Có phải bạn đã được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời?
Tôi ngợi khen danh của Chúa Jêsus vì Ngài đã chịu chết trong chỗ của chúng ta. Ngài đã trả giá hết thảy, chúng ta mắc nợ Ngài! Giờ đây, mọi sự chúng ta phải làm để được cứu là đến với Ngài. Nếu bạn bị hư mất hôm nay, bạn cần phải đến với Ngài. Có phải Ngài đang kêu gọi bạn không? Có phải Ngài đang dịu dàng phán với tấm lòng của bạn và kéo bạn đến với chính mình Ngài? Đừng chậm trễ nhé! Hãy chạy đến với Chúa Jêsus mà được cứu! Đừng nán trễ mà chi! Đừng chờ đợi thêm một ngày nào nữa hết! Hãy đến với Chúa Jêsus ngay bây giờ đi!
Có phải Ngài đã phán với bạn không? Hãy đến với Chúa Jêsus! Có phải bạn muốn cảm tạ Ngài và yêu mến Ngài luôn vì những gì Ngài đã làm cho bạn? Hãy đến với Chúa Jêsus! Có phải bạn muốn trở về nhà với Ngài và sửa ngay lại mọi việc không? Hãy đến với Chúa Jêsus! Có phải bạn đã phiêu bạt xa cách quê hương? Hãy đến với Chúa Jêsus! Bất luận là nhu cần nào, hãy đến với Chúa Jêsus!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét