Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Giăng 4:20-24: "KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ THỜ PHƯỢNG RIÊNG"



Giăng 4:20-24
KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ THỜ PHƯỢNG RIÊNG
Phần giới thiệu
: Minh họa: Nội dung câu chuyện nầy. Khi Chúa Jêsus phục vụ cho người đàn bà nầy, bà ta thấy bà ta đang chịu thuyết phục về tội lỗi của mình. Bà ta nhận ra rằng bà ta có một nhu cầu cần phải làm hòa lại với Chúa và bà ta cần thời điểm thờ phượng riêng trong đời sống của bà ta. Bà ta nhận ra Chúa Jêsus là một vị tiên tri rồi giả định rằng Ngài có khả năng giúp cho bà ta hiểu biết khi nào, ở đâu và bằng cách nào bà ta đến gần được Đức Chúa Trời!?! Mặc dù mọi dự tính của bà ta đều rất đáng khen, quan niệm về sự thờ phượng của bà ta đã không hoàn hảo. Giống như hàng triệu người khác, bà ta nghĩ rằng sự thờ phượng phải diễn ra ở một nơi nhất định, vào một thời điểm nhất định và theo một tư thế nhất định. Tuy nhiên, Chúa Jêsus xóa sạch mọi sự hiểu sai của bà ra và đồng thời chia sẻ một trong những lẽ thật quan trọng nhất của Ngài với bà ta. Ngài dạy cho bà ta biết rằng sự thờ lạy chân chính không thể giao cho ai khác, bị phó cho một địa điểm hay quá trình nầy hoặc tiến trình kia được.
Có nhiều người có ý tưởng như thế về sự thờ phượng. Có người cảm thấy rằng thờ phượng là một việc mà bạn nên làm trong nhà thờ và sự thờ lạy ấy chỉ có thể được thực hiện ở đó. Có người nghĩ rằng thờ phượng là đến với nhà thờ và ngồi yên lặng trong khi người ta cử hành các lễ nghi tôn giáo. Quan niệm ấy đứng cách hàng triệu dặm đối với lẽ thật! Nhiều người khác xem sự thờ phượng là thời điểm cho ca hát, rao giảng, làm chứng và kêu gào. Bạn nghe thấy những câu nói đại loại như: "Bạn ơi, chúng ta thực sự thờ phượng vào Chúa nhật qua! Sao chứ, nhà truyền đạo của chúng tôi thậm chí còn không giảng luận nữa kìa!" Có thể họ đã có một thời điểm rất long trọng, nhưng có phải sự thờ phượng chân chính đã diễn ra ở đó? Có thể ai đó sẽ lưu ý: "Ngày Chúa nhật thờ phượng của chúng ta rất tuyệt vời. Lời lẽ của vị Mục sư rất cảm động, ai nấy đều ra về được nâng đỡ và khích lệ lắm". Một lần nữa, có thể họ rất được phước, nhưng có phải đấy là sự thờ phượng chân chính không?
Hôm nay cho phép tôi nhắc cho bạn nhớ rằng mọi người đều đang thờ phượng! Thật là tự nhiên cho con người thờ phượng giống như người ấy tự nhiên thở vậy. Con người sẽ tìm kiếm một đối tượng dẫn tới sự thờ phượng của họ. Ngay cả kẻ vô thần cũng đang thờ phượng, họ chỉ hướng sự tôn sùng của họ vào bản thân họ đấy thôi. Đối với Cơ đốc nhân, thờ phượng rất là quan trọng. Thờ phượng đối với người tín đồ giống như một cái máy được gắn vào chiếc xe hơi hay dây cót được gắn vào chiếc đồng hồ vậy. Thờ phượng là một phần tuyệt đối không thể thiếu trong kinh nghiệm Cơ đốc.
Nhu cần quan trọng của chúng ta khi ấy là phải khám phá sự thờ phượng riêng chân chính bao gồm những gì, để chúng ta có thể kinh nghiệm Đức Chúa Trời và sự đầy dẫy của Ngài trong đời sống của chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta phải thử và vận dụng một việc được gọi là thờ phượng.
Thờ phượng là gì? Đấy là thắc mắc rất hay cần phải đưa ra, nhưng nếu 100 người bị hỏi thờ phượng là gì, thì sẽ có nhiều câu trả lời lắm. Hãy hỏi một người theo hệ phái Ngũ Tuần, một tín đồ Công Giáo Lamã và một tín hữu Báptít thì bạn sẽ nhận được ba câu trả lời phân biệt. William Temple định nghĩa sự thờ phượng theo cách nầy: "Thờ phượng là làm cho lương tâm sống động bởi sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, ấp ủ tâm trí với lẽ thật của Đức Chúa Trời, gột rửa trí tưởng tượng bởi vẻ đẹp của Đức Chúa Trời, mở lòng ra cho tình yêu của Đức Chúa Trời, và cung hiến ý muốn cho mục đích của Đức Chúa Trời". Đấy là phần định nghĩa năng động nhất về sự thờ phượng.
Từ ngữ “thờ phượng” [worship] ra từ chữ Anglo-Saxon xưa "worthship". Từ ngữ có ý gán hay gắn giá trị cho ai đó. Từ ngữ ấy mang ý tưởng công bố đối tượng thờ phượng là danh dự xứng đáng. Từ ngữ Hylạp trong Tân Ước thường được dịch "worship" (thờ phượng) theo từ ngữ "proskuneo". Từ ngữ nầy có ý nói "hôn tay ai đó với tư thế kỉnh kiền, cũng phải quì gối xuống hay phủ phục xuống đất để dâng lên sự tôn kính". Từ ngữ phổ thông thứ hai là "sebomai", từ ngữ nầy có ý nói: "tôn sùng". Các từ ngữ khác đã được sử dụng, nhưng bấy nhiêu từ ấy đủ để để dạy cho chúng ta biết rằng Kinh thánh xem sự thờ phượng là một hành động tôn vinh Đức Chúa Trời vì cớ sự xứng đáng cả thể của Ngài đáng được tôn vinh.
Với các tư tưởng nầy trong trí, chúng ta hãy dành chút thời gian cho phân đoạn nầy khi Chúa chúng ta tỏ ra một số lẽ thật cơ bản, quan trọng về vấn đề thờ phượng. Cuối cùng, vì những gì chúng ta suy nghĩ về sự thờ phượng sẽ không thành vấn đề, mọi sự là vấn đề ở những điều mà Chúa phán dạy trong Lời của Ngài.
I. SỰ THỜ PHƯỢNG CHÂN CHÍNH PHẢI PHÙ HỢP VỚI BẢN TÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (câu 24)
A. Trong câu nầy, Chúa Jêsus tỏ ra lẽ thật cho thấy Đức Chúa Trời là Thần. Nghĩa là, Đức Chúa Trời không có bản chất vật lý theo như chúng ta tưởng. Ngài là một Hữu Thể trổi hơn thế giới vật lý với mọi giới hạn của nó. Đức Chúa Trời là Thần. Kết quả là, bất kỳ sự thờ phượng nào để đến gần Đức Chúa Trời vì lẽ đó phải cần có bản chất thuộc linh. Những nghi thức và các cách thực hành của xác thịt sẽ không đủ để tạo ra sự thờ phượng thuộc linh đáng chấp nhận ở trước mặt Chúa.
B. Chúng ta có thể tìm một vài trường hợp thờ phượng trong Kinh thánh có bản chất thuộc linh.
1. Có sự thờ phượng ăn năn - II Samuên 12:20. David mất con trai mình như sự sửa phạt dành cho tội lỗi của ông phạm với Bátsêba. Thay vì loạn nghịch chống lại bàn tay của Chúa trong đời sống của mình, David đã ăn năn chịu sửa phạt và đã thờ lạy Chúa. Ông không nổi giận dữ với Đức Chúa Trời, nhưng dường như tấm lòng của ông đã ăn năn và đời sống ông đà thay đổi. Có lẽ biến cố nầy là chất xúc tác đã đưa Thi thiên 51 và 32 vào hiện thực. Đây là một sự thờ phượng phù hợp với bản tánh toàn tri của Đức Chúa Trời, II Samuên 12:23. Đây là tấm gương thật của sự thờ phượng thuộc linh chân chính.
2. Có sự thờ phượng đầu phục – Gióp 1:20. Gióp mới vừa nhận được tin cho hay mấy người con của ông, cùng với mọi của cải và giàu có đời nầy của ông đã mất hết. Thay vì tranh đấu chống lại Chúa trong sự loạn nghịch, Gióp tỏ ra những dấu hiệu than khóc, nhưng ông cũng sấp mình xuống trước mặt Chúa mà thờ lạy Ngài. Ông phục theo chương trình của Đức Chúa Trời dành cho đời sống ông mặc dù ông không thích hay hiểu rõ chương trình ấy. Tuy nhiên, đây là sự thờ phượng thích ứng với bản tánh của Đức Chúa Trời. Gióp vốn biết rõ Rôma 8:28 ở trong lòng ông. Đây là sự thờ phượng thuộc linh ở chỗ đơn giãn cao kỳ nhất của nó. Loại thờ phượng nầy không đến từ một nghi thức xác thịt nào hết, mà đến từ một tấm lòng đầy dẫy tình cảm dành cho Chúa.
3. Có sự thờ phượng kỉnh kiền – Sáng thế ký 22:1-18, đặc biệt câu 5. Đức Chúa Trời yêu cầu Ápraham phải bắt con yêu dấu của ông là Ysác rồi dâng con ấy làm của lễ thiêu cho Đức Giêhôva trên Núi Môria. Ápraham không thắc mắc đối với mạng lịnh của Đức Chúa Trời, song bằng lòng làm theo y như Đức Giêhôva đã phán dạy. Thật xứng đáng để lưu ý rằng câu 5 tỏ ra Ápraham là một người đang trên đường thờ phượng chớ không phải, không phải là một người sắp sửa giết con trai mình. Ápraham phác họa cho chúng ta thấy lẽ thật quan trọng: sự thờ phượng riêng tư có thể là một việc rất đắt giá, nhưng sự tôn kính chân chính đối với Chúa phải là như thế và tạo ra một sự bằng lòng nơi người thờ lạy phải trả một giá để dự phần vào sự thờ phượng một Đức Chúa Trời cao cả như vậy.
C. Đây chỉ là ba trường hợp. Nhiều trường hợp khác có thể được nhắc tới, song bấy nhiêu là đủ để dạy cho chúng ta biết sự thực thờ lạy chân chính Đức Chúa Trời phải trở thành một cách thực hành tuyệt đối thuộc linh. Có phải bạn để ý thấy rằng trong mỗi biến cố trong ba biến cố nầy, xác thịt cùng mọi ao ước của nó đã bị đặt trên cái lò nung? Người thờ lạy muốn làm theo ý chỉ của Chúa từ đáy lòng hơn là làm thỏa mãn xác thịt. Và đấy là cốt lõi thực của sự thờ phượng thuộc linh. Sự thờ lạy ấy đến từ tâm thần của con người bay cao lên đến Đức Chúa Trời. Nó gắn sự xứng đáng bất chấp mọi cảm xúc, mọi tham vọng của xác thịt, hay mọi ước muốn riêng tư. Nó có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời làm mục đích cao cả nhất của nó.
I. Sự thờ phượng chân chính phải phù hợp với bản tánh của Đức Chúa Trời
II. SỰ THỜ PHƯỢNG CHÂN CHÍNH PHẢI TẬP TRUNG VÀO TÂM THẦN (câu 24)
A. Trong khi đối đáp với người đàn bà nầy, Chúa Jêsus nói cho bà ta biết, người nào thờ lạy Đức Chúa Trời phải thờ lạy bằng "tâm thần". Sự thờ phượng chân chính đối với Đức Chúa Trời không phải là những sự tỏ bày mới mẻ mà đôi khi chúng ta gọi là thờ phượng. Mặc dù thờ phượng quả thật có thể tự nó tỏ ra trong các hình thức bằng lời nói hay có thể thấy được bằng mắt thường. (Minh họa: David – Ông đã thờ lạy Đức Giêhôva với hai tư thế phân biệt, và cả hai đều đáng nhận ở trước mặt Đức Giêhôva. Thứ nhứt, ông nhảy múa trước mặt Đức Giêhôva với sự sốt sắng nhiệt thành, II Samuên 6:14-16, thế rồi ông ngồi ở trước mặt Đức Giêhôva trong sự kinh ngạc hạ mình xuống, II Samuên 7:18. Nói cách đơn giãn, bạn không thể nói có bao nhiêu xăng trong bình mà cây kèn kêu lớn tiếng như thế!)

Về mặt cơ bản, thờ phượng là một vấn đề thuộc linh. Thờ phượng, thay vì là một sự kiện xảy ra ở bề ngoài, luôn luôn bắt đầu từ bên trong, trong tâm thần của con người.
(Minh họa: Sự thờ phượng chân chính từ tâm thần có thể được trình bày như sau:
1. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời với tác động và hoàn toàn thuộc linh và với khả năng của linh hồn, tìm kiếm mối quan hệ và tương giao mật thiết nhất với Ngài.
2. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời với cốt lõi thuộc linh của tâm linh một người, tin cậy và an nghỉ nơi tình yêu thương, sự tiếp nhận và quan tâm của Đức Chúa Trời).
B. Vậy thì sao, một người có thể phát triển một tâm thần biết thờ phượng chứ? Điều chi buộc chúng ta phải bước vào loại lãnh vực tâm linh như thế nầy, ở đó chúng ta năng động tìm kiếm Đức Chúa Trời trong mối tương giao và thờ phượng? Có 5 thực tại quan trọng phải đặt ra cho bạn và tôi để có thể thờ lạy bằng tâm thần.
1. Chúng ta phải được sanh lại – Sự thờ phượng Đức Chúa Trời xác thực có thể được tìm gặp trong mối quan hệ với Đức Chúa Jêsus Christ. Sự cứu rỗi là bước thứ nhứt trong việc phát triển một tâm thần chuyên thờ phượng. Sự tiếp cận duy nhứt mà bất cứ người nào muốn có với Đức Chúa Cha là qua Đức Chúa Con - I Timôthê 2:5.
2. Chúng ta phải phục theo Đức Thánh Linh – Mọi sự thờ phượng chân chính đối với Đức Chúa Trời là công tác của Đức Thánh Linh, là tâm thần của người tin Chúa. Ai nhìn biết Chúa rõ ràng hơn Thánh Linh của Ngài - I Côrinhtô 2:11? Vì lẽ đó, khi người tin Chúa phục theo ảnh hưởng của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong đời sống của mình, sự thờ phượng sẽ là kết quả. Thờ phượng không bị tác động và lèo lái bởi Đức Thánh Linh sẽ không hoàn hảo ở chỗ tốt nhứt và phạm thượng ở chỗ tệ hại nhứt. Đức Thánh Linh phải lãnh đạo trong sự thờ phượng!
3. Mọi tư tưởng của chúng ta phải nhắm vào Đức Chúa Trời – Thờ phượng là sự tuôn đổ tự nhiên của một tâm trí đầy dẫy với và được làm nên mới bởi lẽ thật của Đức Chúa Trời. Chúng ta gọi quá trình tựu trung mọi tư tưởng của một người nhắm vào Chúa như thế nầy là suy gẫm. Giờ đây, có nhiều sự nhầm lẫn không rõ suy gẫm là gì!?! Suy gẫm là hướng toàn bộ lý trí vào một đối tượng, tập trung vào lý luận, tưởng tượng và cảm xúc trên một thực tại. Tấm lòng và mục tiêu của sự suy gẫm là sự khám phá ra lẽ thật. Khi chúng ta suy gẫm luôn Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ khám phá nhiều điều nói về Ngài. Khi tâm trí chúng ta đầy dẫy với sự vinh hiển của Ngài như đã được tỏ ra trong Lời của Ngài, điều nầy tự nhiên dốc đổ ra trong sự thờ phượng chân chính đối với Giêhôva Đức Chúa Trời.
(Minh họa: Tôi không khuyến khích loại suy gẫm trừu tượng, huyền ảo. Cái điều tôi đang khuyến khích là sự cầu nguyện và nghiên cứu Lời của Đức Chúa Trời. Bạn có thể gọi đấy là giờ tĩnh nguyện hay bạn có thể đề cập tới nó là sự tin kính, nhưng mục tiêu thì y như nhau. Hết thảy chúng ta phải có một thời gian biệt riêng ra khi chúng ta ở riêng với Đức Chúa Trời để suy gẫm luôn lẽ thật của Ngài và trò chuyện với Ngài trong sự cầu nguyện).
(Minh họa: Spurgeon nói như vầy về vấn đề thời gian tin kính riêng tư: "Tại sao có một số người thường có mặt ở nơi thờ phượng thế mà họ chẳng thánh khiết chi hết vậy? Sở dĩ như thế là vì họ bỏ qua phòng riêng của họ. Họ thích lúa mì, nhưng họ không chịu sàng sảy nó; họ muốn có bắp ăn nhưng họ không chịu ra đồng mà hái; trái thì treo ở trên cây song họ chẳng chịu hái nó; và nước tuôn chảy nơi chơn của họ nhưng họ không khom mình xuống mà uống")
(Minh họa: Nghe giống chúng ta quá, có phải không? Chúng ta quá bận bịu lo làm nhiều việc đến nỗi chúng ta thấy cấp bách lắm và chúng ta chẳng có thì giờ cho một việc thực sự là quan trọng. Việc ấy là để thì giờ ra nơi chơn của Cứu Chúa – Luca 10:42. Nếu là cần thiết cho Chúa Jêsus phải để thì giờ ở riêng với Đức Chúa Cha, huống chi bạn và tôi còn cần những thời điểm đó để ở riêng suy gẫm càng hơn sao? Mác 1:35; 6:46; Luca 4:42; 6:12; 22:39-46. Thật là khó mà tập trung tư tưởng về Chúa luôn trừ phi chúng ta bằng lòng làm đầy dẫy tâm trí mình với các tư tưởng của Ngài trên một cơ sở đều đặn. David đã đụng phải mũi đinh trên đầu khi ông mô tả ao ước ông đã có trong lòng muốn được ở gần Đức Chúa Trời, Thi thiên 42:1. Đây là thứ tình yêu nung nấu đầy dẫy mỗi tấm lòng hôm nay. Sẽ chẳng có điều chi che khuất Chúa trong đời sống của chúng ta. Có phải bạn có thì giờ đều đặn, xác lập rõ ràng biệt riêng ra để gặp gỡ Chúa không? Nếu chưa, tôi muốn đề nghị bạn phải lập thứ tự ưu tiên trong đời sống của mình khi bạn trở về nhà. Thật lấy làm tốt khi đến theo cách riêng với Chúa trong một bối cảnh bình yên, nhưng bạn cần phải nhớ rằng khi bạn trở về nhà, những mũi tên vẫn còn đang bay đến, mọi trũng vẫn sẽ giang rộng và các hốc núi vẫn còn tối tăm và mờ ảo. Bạn sẽ cần đến Chúa và phương thức để có Ngài là chính bạn hãy đến gần, đến gần Ngài!)
(Minh họa: Peter Wagner đã thăm dò 572 vị Mục sư trên khắp nước Mỹ để tìm cho biết về đời sống cầu nguyện của họ. Lượng thời gian trung bình các vị mục sư nầy để ra trong sự cầu nguyện mỗi ngày là 22 phút. (Đây là sự cầu nguyện rất thực – chớ không phải nghiên cứu Kinh thánh, đọc các sách tin kính, hay nghe các cuộc băng ghi âm đâu). Ông tìm thấy 57% cầu nguyện không đầy 20 phút mỗi ngày. Một phần ba (34%) để ra giữa 20 phút và một giờ đồng hồ trong sự cầu nguyện, nhưng chỉ có 9% cầu nguyện trong một giờ đồng hồ hay dài hơn mỗi ngày. – Ministries Today, Nov/Dec 1992).
(Minh họa: Cách duy nhứt để thắng hơn việc nầy là một hệ thống "trì trệ vạch sẵn". Bởi hệ thống ấy, tôi muốn nói rằng chúng ta cần phải đặt thì giờ riêng tư của mình với Chúa trên mọi sự khác và rồi hãy làm bất cứ điều chi còn lại sau khi chúng ta đã gặp gỡ với Chúa. Ngài phải đến trước tiên!)
4. Chúng ta phải có một tấm lòng thật trọn vẹn – Đức Chúa Trời, và một mình Đức Chúa Trời phải ở ngay điểm chính yếu của sự thờ phượng của chúng ta. Chúng ta phải canh chừng chống lại sự cám dỗ khiến Chúa bị vây chặt với những tư tưởng một triệu công việc khác.
(Minh họa: Thật là dễ để cho tâm trí phiêu bạt, nhưng chúng ta phải học biết để có một tấm lòng “vững chắc” giống như David đã nói vậy, Thi thiên 108:1).
5. Chúng ta phải có một tấm lòng biết ăn năn – Giống như sự thờ phượng bao gồm tất cả những việc đa dạng như thế nầy, sự thờ phượng cũng có những quan niệm như thanh tẩy, luyện lọc, làm cho sạch, xưng tội và ăn năn. Con người duy nhứt có thể bước vào trong sự hiện diện của một Đức Chúa Trời thánh khiết, ấy là người mà tội lỗi người đã được cất bỏ đi. Đây là cái điều tuyệt đối dành cho con cái của Đức Chúa Trời phải để cho Đức Thánh Linh chiếu ánh sáng lẽ thật của Đức Chúa Trời vào trong những nơi sâu thẳm, tăm tối và kín giấu của tấm lòng. Hết thảy chúng ta đều có những điểm tối, các tội lỗi kín giấu và những lãnh vực bất khiết. Hết thảy chúng ta đều có những thiếu hụt mà chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được mà thôi. Chỉ khi những góc xó trong đời sống của chúng ta đã được thanh tẩy và tội lỗi bị cất đi thì chúng ta mới có thể đến gần với Chúa được. Ngài hứa rằng Ngài sẽ kéo đến gần chúng ta khi chúng ta đến gần Ngài, Giacơ 4:8. Điều nầy không thể xảy ra cho tới chừng nào tội lỗi đã được thanh tẩy. Tội lỗi làm ngăn trở dòng chảy của những việc thuộc linh giữa Đức Chúa Trời và con người, Thi thiên 66:18, và vì thế cần phải được xử lý với.
C. Khi mọi việc nầy được đặt đúng vị trí trong đời sống của chúng ta, khi ấy chúng ta có thể tận hưởng những chiều sâu của sự thờ phượng thuộc linh chân chính. Đồng thời, sự thờ phượng chung của chúng ta tuyệt đối đều nương vào chúng ta làm gì và chúng ta làm chi trong chỗ riêng tư. Cho tới chừng nào chúng ta học biết kinh nghiệm Đức Chúa Trời qua sự thờ phượng thuộc linh riêng tư, chúng ta không thể hy vọng thờ phượng Ngài theo một hướng tập thể cho được.
(Minh họa: "Thờ phượng chung chỉ là cách bày tỏ sự thờ phượng riêng đấy thôi. Lý do những buổi thờ phượng chung của chúng ta đang dãy chết, ấy là đời sống tin kính riêng tư của chúng ta đang dãy chết. Việc đưa loại âm nhạc sôi động vào trong những buổi thờ phượng của chúng ta dường như giải quyết được nan đề, nhưng chúng ta đã bỏ qua chứng bịnh sẽ hủy diệt chúng ta, trừ phi chúng ta tìm kiếm phương thuốc chữa của Đức Chúa Trời. Những hội chúng nhà thờ của chúng ta thất bại không ca hát với sức thuyết phục vì bài hát không nằm trong tấm lòng của họ trước khi họ đến với buổi thờ phượng" – Tim Fisher).
I. Sự thờ phượng chân chính phải phù hợp với bản tánh của Đức Chúa Trời
II. Sự thờ phượng chân chính phải tập trung vào tâm thần
III. SỰ THỜ PHƯỢNG CHÂN CHÍNH PHẢI ĐƯỢC THIẾT LẬP TRÊN THỰC TẠI ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ AI (câu 24)
A. Giống như Chúa Jêsus đã phán với người đàn bà nầy rằng sự thờ phượng thật phải phát sinh từ tâm thần, Ngài cũng phán rằng sự thờ phượng thật phải được thực hiện bằng lẽ thật. Điều nầy nói cho chúng ta biết rằng sự thờ phượng Đức Chúa Trời của chúng ta phải được xây dựng trên sự hiểu biết Ngài là Ai, và Ngài phải được tiếp cận qua con đường lẽ thật và Ngài phải được thờ lạy từ một tấm lòng chơn thật.
B. Khi thì giờ được sử dụng với Lời của Đức Chúa Trời suy gẫm và học hỏi thêm về Đức Chúa Trời, tâm thần được đầy dẫy đến nỗi tuôn tràn ra. Lẽ thật nói về Ngài dậy lên trong tâm thần của người tin Chúa và sự thờ phượng khi ấy nẩy sinh. Bạn thấy đấy, tâm thần là yếu tố chủ quan trong sự thờ phượng, đang khi lẽ thật là yếu tố khách quan. Lẽ thật là chất xúc tác cho mọi sự thờ lạy chân chính.
(Minh họa: Chúng ta không thể gắn vinh quang thật cho người nào chúng ta chẳng biết gì hết về người! Chỉ khi chúng ta học biết nhiều về Chúa, về sự cao trọng của Ngài, về ân điển của Ngài, về ơn thương xót và tình yêu thương của Ngài, v.v… thì chúng ta mới có thể thực sự cất cao sự thờ phượng chân chính dành cho Ngài. Vì lẽ đó, một sự chú giải có hệ thống Lời của Đức Chúa Trời là cần thiết để mở ra lẽ thật nói tới Đức Chúa Trời nhơn đó giục giã tâm thần bùng nổ ra trong sự thờ phượng. Điều nầy rất quan trọng trong khi hội thánh nhóm lại, tầm quan trọng của nó không hề được nói tới trong sinh hoạt thờ phượng riêng của người tin Chúa. Khi chúng ta kinh nghiệm Đức Chúa Trời trong Lời của Ngài và học biết thêm về Ngài, chúng ta tìm được thêm lý do để sấp mình xuống trước mặt Ngài trong sự thờ phượng).
C. Nói cách đơn giãn, thờ phượng là một sự khen ngợi tỏ ra từ tấm lòng, đối với Đức Chúa Trời là Đấng được người ta hiểu rõ y như Ngài thực sự đã được tỏ ra. Thờ phượng là tiếp nhận sự khải thị về Đức Chúa Trời và rồi dâng lại sự tôn kính dành cho sự cao trọng và sự vinh hiển của Ngài. Bản chất cốt yếu của sự thờ phượng là hiến cho Đức Chúa Trời sự tôn kính từ tâm linh bên trong của chúng ta bằng sự ngợi khen, cầu nguyện, ca hát, dâng hiến và sống luôn dựa trên lẽ thật đã được tỏ ra của Ngài.
(Nếu có một sự hồ nghi nào đối với sự xứng đáng của Chúa khi tiếp nhận sự thờ phượng, hãy xem xét lại mọi điều kỳ diệu mà ngài đã làm cho chúng ta. Hãy suy nghĩ về ơn cứu rỗi, ân điển, tình yêu thương, sự thương xót, Con của Ngài, Thánh Linh của Đức Chúa Trời, Hội Thánh, Kinh thánh và còn nhiều điều khác nữa. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta nhiều lý do tốt lành để thờ phượng và cung kính Ngài).
I. Sự thờ phượng chân chính phải phù hợp với bản tánh của Đức Chúa Trời
II. Sự thờ phượng chân chính phải tập trung vào tâm thần
III. Sự thờ phượng chân chính phải được thiết lập trên thực tại đức chúa trời là ai
IV. SỰ THỜ PHƯỢNG CHÂN CHÍNH PHẢI ĐƯỢC PHẢI LIÊN QUAN ĐẾN SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (câu 23)
A. Chúa nói cho người đàn bà Samari biết rằng Đức Chúa Cha rất năng động tìm kiếm người nào sẽ thờ lạy Ngài. Từ ngữ "tìm kiếm" ở thì hiện tại và đến từ một chữ có ý nói: "khao khát". Theo ý của tôi, chúng ta không thể dâng cho Chúa nhiều thứ đáng được chấp nhận đối với Ngài, nhưng sự thờ phượng chân chính bằng tâm thần là lẽ thật là một trong những việc mà Đức Chúa Trời mong muốn, và phải, ngay cả khao khát nữa. Vì lẽ đó, khi Đức Chúa Trời nhận được những gì Ngài mong muốn, khi ấy Ngài được tôn vinh hiển!
B. Quí bạn của tôi ơi, đấy là cứu cánh chính của con người và đáng phải là ao ước của từng con cái Đức Chúa Trời sáng nay, I Côrinhtô 10:31. Sự thờ phượng riêng của chúng ta làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời như thế nào? Vì một đời sống được tận hiến hoàn toàn và tuyệt đối cho Chúa và cho sự vinh hiển của Ngài.
(Minh họa: Khi tôi cầu nguyện và suy gẫm về những gì tôi sẽ nói ra ở đây hôm nay, tôi bắt đầu lấy làm lạ không biết sao mình lại chú về vấn đề thờ phượng riêng như thế nầy. Vì vậy, tôi bắt đầu đọc Kinh thánh và suy gẫm luôn vấn đề nầy và Chúa đã dạy tôi đôi điều có thể bạn đồng ý hoặc không đồng ý với, nhưng đó là một việc mà tôi nghĩ là thực và thích đáng. Chúng ta nghĩ gì về hình thức thờ phượng cao nhất có thể dâng lên cho Chúa đây? Nhất định đấy sẽ là hành động nào đem lại cho Ngài nhiều vinh quang nhất, có phải không? OK, nếu đấy là sự thực, thế thì bạn và tôi về mặt cá nhân và theo cách riêng có thể làm một việc giống như một hành động thờ phượng dâng cho Đức Chúa Trời sự vinh hiển theo một cách thức lớn lao nhất? Tôi nghĩ câu trả lời có thể được thấy ở Giăng 15:1-11. Trong những câu nầy, Chúa Jêsus nói tới mối quan hệ giữa chính mình Ngài và con cái của Ngài. Ngài nói cho chúng ta biết rằng không có Ngài, chúng ta hoàn toàn là vô dụng, song với Ngài, chúng ta được mạnh mẽ ở trong Chúa. Giờ đây, đối với tôi, hình thức thờ phượng cao nhất mà tôi có thể dâng lên Đức Chúa Trời chỉ là ở trong Chúa thôi. Có đúng không!?! Khi chúng ta dừng bản ngã lại và hoàn toàn đem từng phương diện trong cuộc sống phục theo quyền tể trị của Chúa, khi ấy chúng ta đang ở trong tình trạng làm vinh hiển cho Ngài. Tôi nghĩ sự thờ phượng cao cả nhất của chúng ta được thấy ở chỗ ở trong Chúa. Chúng ta ở trong như thế nào đây? Bằng cách dành thì giờ với Ngài đọc Lời của Ngài và trong sự cầu nguyện. Chúng ta ở trong bằng sự thờ phượng! Bạn thấy đấy, thờ phượng không phải là việc chúng ta làm, mà là điều chúng ta đang sống theo! Thờ phượng là mọi sự chúng ta đang phản ứng lại với những gì thuộc về Ngài! Thờ phượng là ở trong sinh hoạt chính yếu của đời sống từng người tin Chúa – Côlôse 3:17. Cái điều tôi đang tìm cách nói đây, ấy là bạn không phải đi thờ phượng, bạn cần phải trở thành người thờ phượng. Từng góc cạnh đời sống của bạn cần phải tỏ ra sự thờ phượng đối với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Từng giây chúng ta sống trong thế gian nầy cần phải là một hành động thờ phượng tối thượng ở trước mặt Chúa. Khi chúng ta thực sự ở trong Gốc Nho, khi chúng ta đang rút tỉa từng gram sức lực từ Ngài, khi chúng ta hoàn toàn nương cậy Ngài trong mọi sự chúng ta làm, có, đang và từng hy vọng đạt tới, khi ấy chúng ta hiện ở trong một tình trạng làm vinh hiển cho Chúa. Theo ý của tôi, đời sống của chúng ta đáng phải tóm tắt lại trong một chữ – WORSHIP [thờ phượng]! Tôi nghĩ rằng đó là ý tưởng của Phaolô khi ông nói cho chúng ta biết rằng chúng ta cần phải dâng thân thể mình làm của lễ sống, Rôma 12:1).
C. Khi điều nầy là thật trong đời sống của bạn và của tôi, Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh hiển, chúng ta sẽ là những người thờ phượng thật của Đức Chúa Jêsus Christ và ngay cả sự thờ phượng chung của chúng ta sẽ bị tác động rất lớn. Bạn thấy đấy, dù chúng ta có biết điều đó hay không, chúng ta phải chịu trách nhiệm với Hội thánh khi duy trì một phong cách thờ phượng bền đỗ, đáng nhận ở trước mặt Chúa. Khi chúng ta làm theo, Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh hiển trong một số phương thức rất long trọng. Hội thánh của Ngài sẽ được gây dựng, các tín đồ sẽ được luyện lọc, và kẻ bị hư mất sẽ được nghe Tin Lành. Sự thờ phượng riêng, khi được thực thi theo một tư thế phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời, có quyền phép làm thay đổi mọi đời sống!
(Minh họa: Mọi sự liên quan đến chúng ta sẽ truyền đạt sự thực mà chúng ta đã có với Ngài! Mục sư Charles Weigle đã sáng tác nhiều bài thánh ca và bài hát Tin Lành rất hay, giữa vòng chúng là bài: "Chẳng ai từng chăm sóc tôi giống như Chúa Jêsus” (No One Ever Cared for Me Like Jesus). Một ngày kia, ông đến viếng Pasadena, California. Sáng sớm hôm ấy, ông có cơ hội đi dạo qua một số vườn hồng nổi tiếng khi mùi hương của các bông hoa sực nức bầu không khí. Sau đó trong ngày, ông về tới khách sạn, một hội nghị về Kinh thánh đang được tổ chức ở đó. Khi ông đến chỗ ngồi, một người xây sang phía ông rồi nói: "Mục sư Weigle, tôi biết chỗ ông ở rồi. Ông đã đi một vòng trong khu vườn dễ thương của chúng tôi, vì tôi có thể ngửi được mùi hương ấy trên y phục của ông". Weigle đáp: "Phải, đúng thế. Có mấy người nữa đã nói với tôi y như vậy. Lời bình của họ nhắc cho tôi nhớ tới Công Vụ các Sứ Đồ 4:13. Tôi nguyện rằng tôi có thể đi gần với Chúa như thế, để mùi hương của ân sũng Ngài sẽ phủ lấy linh hồn tôi. Tôi muốn họ nhìn biết rằng tôi đã ở với Chúa Jêsus qua lời nói, hành động, và các bài hát của tôi").
Phần kết luận: Khi tôi tìm cách ghép các tư tưởng nầy lại với nhau, tôi cảm thấy, là tôi đã đưa ra lời bình luận về sự thờ phượng thay vì chỉ có góc cạnh riêng tư của sự thờ phượng ấy thôi. Tuy nhiên, sự thờ phượng, thậm chí ở chỗ đông người cũng chỉ là một việc giữa một cá nhân với Chúa. Vì vậy, mọi sự thờ phượng đều nằm trong chỗ riêng tư đấy thôi! Giờ đây, với điều nầy trong trí, tôi muốn kết luận với một danh sách giúp cho một người có thể bước vào tình trạng sẵn sàng cho sự thờ phượng.
Danh sách nầy được cung ứng cho chúng ta bởi trước giả thơ Hêbơrơ và được thấy có ở Hêbơrơ 10:22. Có bốn điều kiện cơ bản đứng như một thử nghiệm giấy quỳ cho sự chúng ta sẵn sàng để thờ phượng. Đấy là:
1. Lòng thật thà – Một tâm trí và một đời sống được dâng hoàn toàn cho Chúa.
2. Đức tin đầy dẫy trọn vẹn – Thờ phượng theo lẽ thật chỉ với đức tin là cái nền mà Chúa ưng nhận.
3. Khiêm nhường – Chúng ta có thể đến trước mặt Chúa với sự tin cậy, trong sự bảo đảm trọn vẹn của đức tin, Hêbơrơ 4:14-16, nhưng chúng ta cũng phải đến trong sự khiêm nhường, nhìn biết rằng chúng ta không có quyền thờ lạy Ngài nếu không có quyền phép của huyết thanh tẩy của Chúa Jêsus.
4. Sự luyện lọc – Không phải tắm theo nghĩa đen đâu, mà là một lối sống bền đỗ xưng tội và ăn năn.
Ở cấp độ từ 1 đến 10, với 1 là chỉ số thấp nhất và 10 là chỉ số cao nhất, bạn trung thực đánh giá sự thờ phượng riêng của bạn như thế nào? Bạn có cần đánh giá trong lãnh vực nầy không? Tôi biết tôi cần đấy! Tôi muốn đề nghị rằng tất cả những ai cảm thấy được Chúa dẫn dắt sẽ tiến lên phía trước ngay giờ nầy và chúng ta hãy tìm kiếm mặt Ngài. Chúng ta hãy dành vài phút để suy gẫm lại mọi sự chúng ta đã nghe và chúng ta hãy tái khám phá giá trị của sự thờ phượng riêng, cá nhân.